Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

NGÀY HẠ CHÍ Ở BẮC BÁN CẦU CŨNG LÀ NGÀY ĐÔNG CHÍ Ở NAM BÁN CẦU



Có thể nói:    HÔM NAY LÀ NGÀY HẠ CHÍ
& HÔM NAY CŨNG LÀ NGÀY ĐÔNG CHÍ
Thông thường thì ngày hạ chí là ngày 22/6 nhưng cứ 3 năm thì có một ngày hạ chí 21 tháng 6, do năm 2020 là năm nhuận (theo dương lịch) tháng 2 có 29 ngày , cho nên ngày hạ chí của năm nhuận dương lịch thường là ngày 21 tháng 6.
Sở dĩ nói "hôm nay là ngày hạ chí & Hôm nay cũng là ngày đông chí" là bởi :
Nếu tôi đang ngồi ở bắc bán cầu thì tôi sẽ có tiết khí hậu là tiết Hạ Chí có nghĩa là tôi đang hưởng thời gian chiếu sáng Ngày dài nhất trong năm.
Nhưng, với những người đang sống ở vùng Nam bán cầu thì ngược lại, họ đang chịu ảnh hưởng của thời tiết mùa đông, ngày ở đó hiện nay là Ngày ngắn nhất trong năm.

Ngày xưa, dân ta có tục lệ HÁI LÁ MÙNG NĂM, hễ cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch thì người ta đi hái các loại lá cây để tích trữ làm thuốc chữa bệnh, người ta có thể hái bất kỳ loại lá gì, hái xong về thái nhỏ, sao vàng ,khử thổ, phơi khô để làm thuốc chữa bệnh hoặc nấu làm nước uống hàng ngày
(Tục Hái lá mùng năm vẫn còn ở quê tôi)

Trên giác độ khoa học, ngày hạ chí là ngày có tổng tích ôn lớn nhất, tổng thời gian chiếu sáng của mặt trời là cao nhất, thực vật bậc cao nhận được nhiều ánh sáng để quang hợp mạnh nhất, việc hái lá cây làm thuốc trong tiết hạ chí sẽ có chất lượng cao nhất.
Nhưng...lưu ý rằng những điều này chỉ đúng với người đang sống ở phía bắc xích đạo mà thôi. Ai đang ở phía nam xích đạo, muốn " hái lá mùng Năm" thì hãy đợi đến ngày 21 tháng 12 năm này mới hái nhé!

TẾT ĐOAN NGỌ- TẾT TIÊU TRỪ BỆNH TẬT

Nhiều người cho rằng tết Đoan Ngọ có lịch sử là tết diệt sâu bọ để chuẩn bị cho vụ mùa tháng Tám.
Điều này liệu có đúng không?
Theo tôi là không . Bởi trong thực tế vào tiết trời tháng 6 dương lịch khắc nghiệt, các loại côn trùng gây hại cho mùa màng hầu như không hoạt động thì tìm đâu ra để mà diệt?

Nên nhớ rằng, hầu như trở thành quy luật bất biến, hàng năm sâu bọ, côn trùng phát sinh phát triển gây hại cho mùa màng thường tập trung vào tháng 3 dương lịch tức là vào tiết KINH TRẬP (Sâu nở- từ ngày 4-5/3 dương lịch) vậy thì tại sao không tổ chức diệt sâu vào ngày đó?
Liệu chúng ta có thể hiểu tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ theo nghĩa mà ngày xưa ông bà chúng ta đã nghĩ?
Đó là tết PHÒNG BỆNH CHỮA BỆNH? Hai từ sâu bọ ở đây có thể hiểu theo ý của người xưa: Bệnh tật của con người là do "Sâu bọ" gây ra, khi mà người ta chưa biết nguyên nhân gây ra bệnh tật là từ Vi khuẩn, siêu vi khuẩn, nấm,... như khoa học bây giờ? Và, từ thực tế cuộc sống dùng lá cây có thể chữa được bệnh tật cho nên người ta tập trung hái lá thuốc để trị bệnh hoặc để dành chữa bệnh sau này.

Không thể không có nguyên nhân mà tổ tiên ta đặt ra ngày tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ có thể bắt đầu từ nước Việt là tết của người Việt Nam, là ngày mà trước đây trước khi đi hái thuốc người ta lập bàn thờ cúng tổ tiên để xin phép đi hái lá thuốc về dùng.
Ngày Đoan Ngọ nằm trong tiết Hạ Chí, cây thuốc tích lũy chất hữu hiệu nhiều nhất. Hái về dùng chữa bệnh là tốt nhất.

Nói thêm điều này: Tục lệ treo bó lá trước cửa nhà nhân ngày tết Đoan Ngọ có thể hiểu ngầm ý nhắc nhở chúng ta đừng quên hái lá chữa bệnh.
Và, cũng giống như việc trồng cây Nêu trong ngày tết Nguyên Đán để chống ma quỷ, Bó lá cây treo trước cửa nhà như một cái bùa hộ mệnh: Lá thuốc đã có sẳn đây bệnh tật chớ có dại mà vào!