Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Tư liệu về thảo dược

 CÂY THUỐC HỌ MÃNG CẦU (Annonaceae) 

Nguồn tài nguyên cây thuốc trong họ Na khá phong phú, bước đầu đã xác định được 52 loài và thứ (trong tổng số 207 loài và thứ), thuộc 17 chi. Các loài cây thuốc được sử dụng chữa nhiều nhóm bệnh khác nhau đó là: tiêu hóa, bệnh về xương, bồi bổ sức khỏe, bệnh ngoài da, bệnh về phụ nữ, bệnh về thời tiết, bệnh dạ dày, hô hấp, bệnh về thận, gan, bệnh về mắt, bệnh về đường sinh dục, bệnh về trẻ em, thần kinh, động vật cắn, và bệnh tim. Các bộ phận được sử dụng làm thuốc gồm có, rễ, lá, thân, cành, vỏ, hoa và hạt. 







 Đặc điểm nhận dạng và phân bố các loài cây thuốc trong họ Na 

Dủ dẻ trâu (Melodorum fruticosum Lour.)

Cây cao 3 m; nhánh non không lông. Lá có phiến thon hay thon dài, hơi mỏng, lúc khô có màu ô liu xám hoặc vàng nâu; gân mịn, 11 cặp. Hoa đơn độc ở nách lá, cao 1 cm; lá đài rộng; cánh hoa thơm, có lông. Quả dày, có cuống ngắn, chứa 1 - 2 hạt.

Sinh thái và phân bố: Ở nước ta, cây mọc ở rừng rậm núi cao Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai. Còn có ở Lào, Campuchia, Thái Lan.

Thâu lĩnh sần (Alphonsea boniana Fin. et Gagnep.)

Bụi nhỏ, cao 2 m. Lá hình bầu dục thuôn, cỡ  7 - 8 × 3 cm, gân bên 7 - 9 đôi. Hoa mọc đơn độc. Cánh hoa hình trứng, mặt ngoài hơi có lông. Nhị 15 - 20. Lá noãn 1 - 2. Noãn 12 - 15 xếp thành 2 hàng. Phân quả hình thuôn có mỏ, vỏ quả sần sùi.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 5 - 7, có quả tháng 7 - 8. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh, ở độ cao 300 - 500 m. Phân bố ở Lào Cai, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị. Còn có ở Trung Quốc.

Quả đầu ngỗng (Anaxagorea luzonensis A. Gray)

Cây bụi, cao 1 - 2 m. Lá hình mác, cỡ 8(12) - 15(17) × 3(4) - 5(7), chóp lá thành mũi ngắn, gốc hình nêm. Hoa mọc đơn độc hay thành từng cặp ở ngoài nách lá. Cánh hoa màu trắng. Nhị nhiều. Lá noãn 2 - 5. Noãn 2. Phân quả hình trứng ngược.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 3 - 6, có quả tháng 8 - 10. Mọc dưới tán rừng nguyên sinh, nơi ẩm, độ cao 100 - 300 m. Có ở Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Xri Lanka, Inđônêxia và Philippin.

(Annona glabra L.)

Gỗ nhỏ, thường cao 2 - 2,5 m. Lá hình bầu dục, hình trái xoan hoặc hình thuôn, cỡ 10 - 15 × 5 - 7 cm; gân bên 8 - 9 đôi. Hoa phần lớn mọc đơn độc. Lá đài hình tam giác, cánh hoa màu vàng, những chiếc ngoài rộng, hình tam giác, có bớt đỏ ở mặt trong, cánh hoa trong thường nhỏ. Nhị nhiều. Lá noãn nhiều. Quả hình trứng, vỏ nhẵn. Hạt màu nâu đen.

Sinh thái và phân bố: Mùa hoa quả gần như quanh năm. Mọc dựa nước, bên bờ các kênh rạnh, dọc bờ biển. Mọc rãi rác từ bờ biển Quảng Ninh đến Quảng Nam (Cù Lao Chàm) và các tỉnh Phía Nam. Nguyên sản ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ và Châu Phi.

Mãng cầu xiêm (Annona muricata L.)Cây gỗ nhỏ. Lá hình mác hoặc hình trứng ngược, cỡ 12-13 × 5 cm. Hoa phần lớn mọc đơn độc. Cánh hoa trong trường nhỏ, nhưng đôi khi khá lớn hoặc ngược lại, thiếu hẳn. Quả gần hình cầu hoặc hình trứng với vỏ ngoài có gai.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa quả tháng 4 - 7, có quả tháng 5 - 10. Cây phân bố khắp cả nước. Nguyên sản ở Châu Mỹ.

Bình bát (Annona reticulata L.)

Cây gỗ nhỏ, cao 3 - 7 m. Lá thuôn hình giáo hay bầu dục, cỡ 12 - 16 × 4 cm, cuống lá 1 cm. Hoa tập trung thành từng cụm 2 - 10; hoa màu vàng, cánh hoa hẹp. Nhị và lá noãn nhiều. Quả mọng, hình trứng, khi chín màu vàng hay đỏ.

Sinh thái và phân bố: Mùa hoa quả tháng 4 - 6. Mọc ở nơi ưa sáng. Nguyên  sản ở Châu Mỹ.

Na (Annona squamosa L.)

Cây gỗ nhỏ. Hoa ở ngoài nách lá, đối diện với lá hoặc ở trên cành già. Lá đài nhỏ. Cánh hoa ngoài hình mác thuôn; cánh hoa trong rất nhỏ hoặc thiếu hẳn. Nhị dài 2 mm. Lá noãn dài 2 - 5 mm. Quả hình cầu, vỏ quả ngoài dạng vảy.

Sinh thái và phân bố: Ra hoa tháng 3 - 8. Cây ưa sáng thích ứng với đất phù xa vùng đồng bằng, đất đồi tơi xốp dễ thoát nước. Phân bố, được trồng khắp nơi và các nước nhiệt đới khác.

Công chúa harman (Artabotrys harmandii Fin. et Gagnep.)

Bụi trườn hoặc dây leo thân gỗ, lá hình trứng ngược, cỡ 6 - 8(9) - 2,5 - 3,5 cm. Hoa thường thành từng cặp trên trục cụm hoa, lá đài hình trứng hoặc tam giác. Nhị nhiều, lá noãn 3 - 6. Phân quả gần như quả lê, không lông.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 5 - 8, có quả tháng 9 - 11. Mọc rãi rác trong rừng. Phân bố ở Tây Nguyên. Còn có ở Lào và Campuchia.

Hoa móng rồng (Artabotrys hexapetalus (L.f.) Bhand.)

Bụi trườn, dài 2 - 4 m. Lá hình mác, cỡ 8 - 13 × 3 - 4 cm; gân bên 9 - 11 đôi. Cụm hoa thường gồm 2 hoa. Cánh hoa hình mác, co thắt ở dưới. Nhị nhiều. Lá noãn nhiều. Noãn 2. Phân quả không lông hình trứng ngược, cỡ      2,5 - 3,5 × 1,2 - 2 cm.

Sinh thái và phân bố: Ra hoa tháng 4 - 8, có quả tháng 7 - 10. Cây ưa sáng. Được trồng nhiều ở Việt Nam. Còn có ở các nước nhiệt đới Châu Á khác.

Móng rồng nhỏ (Artabotrys intermedius Hassk.)

Bụi trườn, dài 1 - 2 m. Lá hình mác hoặc hình thuôn, cỡ 8 - 12(16) × 4 - 5 cm. Cụm hoa thường gồm 2 hoa, cuống hoa dài 1 - 2 cm. Cánh hoa hình mác thuôn, thắt eo ở gần gốc, phiến rộng hình bản. Lá noãn trên 20. Noãn 2. Phân quả không lông.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 2 - 4, mang quả tháng 5 - 6. Mọc rải rác dưới tán rừng. Phân bố ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Còn có ở Lào, Campuchia và Inđônêxia.

Móng rồng gai (Artabotrys spinosus Craib)

Bụi trườn, cành thường có gai nhọn. Lá hình bầu dục, hình thuôn, cỡ 7 - 10 × 3 - 5 cm. Hoa mọc đơn độc ở trên trục ngắn hình móc câu. Cánh hoa gồm 2 vòng gần giống nhau. Nhị nhiều. Lá noãn 7 - 10. Phân quả hình trứng thuôn trên cuống rất ngắn.

Sinh thái và phân bố: Ra hoa tháng 4 - 6. Mọc rãi rác trong rừng thứ sinh, ven rừng, nơi sáng. Phân bố ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Còn có ở Thái Lan.

Ngọc lan lá rộng (Canaga latifolia (Hook.f. & Thoms.) Fin. & Gagnep.)

Cây gỗ cao đến 25 m. Nhánh có lông dày, màu vàng. Lá xoan hình tam giác, gốc hình tim hay phẳng, dài 12 cm, mặt dưới có lông, cuống lá 1 cm. Hoa 1 - 3 đối diện với lá. Lá noãn hình trứng. Hạt 3, nhẵn.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 5 - 6, mang quả tháng 9 - 10. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh ở đai thấp. Phân bố ở Ninh Thuận, Đắc Lắc, Tây Ninh, Đồng Nai. Còn có ở Mianma, Lào, Campuchia.

Ngọc lan tây (Canaga odorata (Lamk.) Hook.f. & Thoms.)

Cây gỗ thường cao 5 - 6 m. Lá thuôn hoặc hình bầu dục, chóp lá thành mũi nhịn dài, gốc lá thường rất lệch. Hoa thơm ở trên cành ngắn. Cánh hoa hình mác hay hình dải. Nhị nhiều, chỉ nhị ngắn. Lá noãn 8 - 10. Noãn 9 - 12. Phân quả hình trứng ngược. Hạt có vỏ nhăn nheo.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 7, có quả tháng 8 - 10. Trồng phổ biến ở các công viên và các nơi khác trong cả nước. Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Malayxia, Inđônêxia, Philippin, Niu Ghinê, Fiji, Ôxtrâylia.

Ngọc lan tây dạng bụi (Canaga odorata var. fruticosa (Craib) Sincl.)

Khác loài chuẩn là bụi nhỏ, cao 1 - 2 m.

Sinh thái và phân bố: Được trồng ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Đồng Tháp (Sa Đéc). Còn có ở Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan.

Huyệt hùng bạc (Cyathostemma argenteum (Blume) Sincl.)

Bụi trườn, cao 2 - 3 m. Lá dày và dai, hình trứng ngược, cỡ 6(9) - 12(14) × (2,5)3 - 4(5). Cụm hoa gần đối diện với lá, 1 - 3 hoa. Cánh hoa màu đỏ sẩm, gần như không lông. Nhị nhiều dài cỡ 2 mm. Lá noãn cỡ 30. Phân quả hình trụ.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 5, có quả tháng 6 - 7. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh. Phân bố ở Hà Tây, Hòa Bình, Kon Tum. Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Malayxia, Inđônêxia.

Ngẵng chày (Dasymaschalon lomentaceum Fin. & Gagnep.)

Gỗ nhỏ, cao 5 - 10 m. Lá hình mác hoặc hình thuôn cỡ 10 - 13 × 3 - 3,5 cm, gân bên 8 - 10 đôi. Hoa thường gần ở đỉnh. Cánh hoa dày, hình mác. Nhị nhiều. Lá noãn 7 - 9. Noãn 4 - 8. Phân quả nhẵn gần như không cuống, chứa 2 - 5 hạt. Hạt hình cầu, đường kính 5 mm, màu vàng.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 5 - 7, có quả tháng 7 - 12. Mọc ở ven suối, nơi ẩm. Phân bố ở Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang. Còn có ở Lào, Campuchia.

Mao quả đài to (Dasymaschalon macrocalyx Fin. & Gagnep.)

Cây bụi, cao 4 - 5 m. Lá thuôn hoặc hình mác ngược, cỡ 7(10) - 14(16) × 3 - 5(6), gân bên 10 - 12 đôi. Hoa mọc ở nách lá hoặc gần ở đỉnh, cuống dài 2 - 3,5 cm. Cánh hoa biến đổi từ hình trứng đến hình mác. Nhị nhiều. Lá noãn 10 - 20. Noãn 2 - 3. Phân quả có lông, chứa 1 - 2(3) hạt, chia thành các đốt gần hình cầu, màu vàng nhạt.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 5 - 8, có quả tháng 10 - 12. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh ở độ cao dưới 300 m. Phân bố ở Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa –Vũng Tàu. Còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan.

Chuối chác dẻ (Dasymaschalon rostratum Merr. & Chun)

Cây gỗ nhỏ, cao 3 - 10 m. Lá thuôn hoặc hình mác ngược, cỡ 15 - 22 × 4 - 7 cm, gân bên 10 - 14 đôi. Cánh hoa hình mác thuôn, Nhị nhiều, dài 2 - 3 mm. Lá noãn nhiều. Noãn 2 - 4. Phân quả thường chứa 1 - 2 hạt, chia thành các đốt hình trứng hay hình cầu, đường kính 6 - 7 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 5, có quả tháng 6 - 8. Mọc trong rừng nguyên sinh, rừng thường xanh cây lá rộng, ở độ cao 200 - 1300 m. Phân bố ở Lào Cai, lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Còn có ở Trung Quốc, Lào.

Mao quả trụ (Dasymaschalon sootopensis Craib)

Cây gỗ nhỏ, cao 4 - 8 m. Lá hình mác hoặc hình thuôn,m cỡ 9(13) - 17(20) × 3(4) - 5(6), gân bên 9 - 11 đôi. Hoa ở nách lá, cánh hoa hình mác. Nhị nhiều. Lá noãn 10 - 20. Noãn 2 - 5(7). Phân quả có lông ngắn, chứa 1 - 3(5) hạt, đốt hình trụ dài 2 cm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 6, có quả tháng 5 - 7. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh. Phân bố ở Kon Tum. Còn có ở Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc.

Hoa giẻ thơm (Desmos chinensis Lour.)

Bụi trườn, dài 4 - 6 m. lá hình mác hoặc gần hình thuôn, kích thước thay đổi dài 7 - 17 cm, rộng 3 - 6 cm, gân bên 8 - 13 căp. Hoa thơm, mọc ngoài nách lá, cánh hoa màu vàng. Lá noãn 20 - 30, dài gần 3 mm. Phân quả có lông, khi chín màu vàng hay đỏ.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 7, có quả tháng 6 - 9. Mọc rải rác ở ven rừng, đồi hoang, các làng bản. Loài phân bố khắp nơi ở trung du và Miền núi trong cả nước. Còn có ở các nước nhiệt đới Châu Á.

Hoa giẻ lông đen (Desmos cochinchinensis Lour.)

Cây bụi trườn, nhánh non có lông sét hay trăng trắng. Lá có phiến bầu dục hay xoan ngược, có lông vàng nằm ở mặt dưới, cỡ 5 - 8(10) × 2,5 - 4 cm; gân bên 8 - 11 đôi. Hoa ngoài nách lá, vàng tươi, thơm; cánh hoa dài, có lông; quả có lông, cho ra chùm quả như xâu chuỗi, có lông nhiều hay ít, khi chín có màu đỏ.

Sinh thái và phân bố: Cây ở chỗ sáng, trên đất rừng vùng núi, thường gặp ở đồi ven rừng. Ra hoa tháng 5 - 7; có quả tháng 1. Phân bố ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Kontum vào các tỉnh Nam Bộ. Còn có ở Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Malaixia.

Dây chân chim núi (Desmos cochinchinensis var. fulvescens Ban)

Cây bụi trườn hoặc dây leo thân gỗ, dài 4 - 10 m. Cành non thường có lông tơ màu vàng nâu. Lá phần lớn hình thuôn hoặc bầu dục thuôn. Hoa mọc đơn độc, ở ngoài nách lá và so le với lá, cuống hoa dài 2,5 - 4 cm. Cánh hoa khi tươi màu vàng, không thơm, mỏng, có lông hình mác dài, hơi không đều nhau. Nhị nhiều. Phân quả 2 - 5 hạt, hình chuỗi hạt, khi chín màu vàng. Hạt màu vàng nâu, nhẵn và láng.

Sinh thái và phân bố: Cây mọc rãi rác ở ven rừng, nơi sáng, ra hoa tháng 4 - 7, mang quả 9 - 12. Phân bố ở Thanh Hóa, Nghệ An, (Pù Mát, Pù Hoạt), Hà Tĩnh (Vũ Quang), Thừa Thiên - Huế (Bạch Mã), Quảng Nam, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai.

Hoa giẻ cánh to (Desmos pedunculosus (A. DC.) Ban)

Bụi trườn hoặc dây leo thân gỗ. Lá hình thuôn, cỡ 10 - 18 × 5 - 6 cm; gân bên 10 - 14 đôi. Hoa mọc đơn độc ở ngoài nách lá. Cánh hoa non có lông rậm. Lá noãn 20 - 25. Phân quả nhẵn, 2 - 5 hạt, các đốt hình cầu hoặc hình trứng cỡ 7 × 6 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 2 - 3, mang quả tháng 6 - 9. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh. Phân bố ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai. Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Thái Lan

Thau ả mai (Desmos pedunculosus var. tonkinensis Ban)

Dây leo thân gỗ dài 8 - 10 m. Lá thuôn, có mủi ngắn, cỡ (12)15 - (20)23 × 4(5)-7(9) cm, gân bên 10 - 13 đôi. Hoa mọc đơn độc ở ngoài nách lá. Cánh hoa mỏng, khi tươi màu vàng, gốc màu tía. Nhị dài cỡ 1,3 cm. Lá noãn khoảng 20. Noãn 4 - 10. Phân quản nhẵn 2-10 hạt, chia thành các đốt hình trứng cỡ 8×5 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 6, mang quả tháng 6 - 8. Phân bố ở Lào Cai, yên bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế. Còn có ở Trung Quốc.

Lãnh công nhiều lá bắc (Fissistigma bracteolatum Chatt.)

Dây leo thân gỗ dài từ 10 - 20 m. Lá hình trứng hoặc hình bầu dục thuôn, cỡ 10(15) - 22(25) × 4(6) - 10(12) cm, gân bên khoảng 16 - 26(30) đôi. Hoa họp thành xim bó 8 - 18 hoa. Cánh hoa ngoài hình trứng, dài 5 - 6 mm; cánh hoa trong dài cỡ 10 mm. Lá noãn 10 - 16. Noãn 6 - 9. Phân quả hình cầu, đường kính cỡ 1,2 cm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 3 - 4, có quả tháng 6 - 7. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, nơi sáng, độ cao 300 - 1200 m. Phân bố ở Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Còn có ở Trung Quốc, Mianma.

Lãnh công xám (Fissistigma glaucescens (Hance) Merr.)

Bụi trườn dài 2 - 8 m. Lá thuôn cỡ 10 - 18 × 2 - 6 cm, gân bên 10 - 14 đôi. Hoa mọc thành chùy, ít hoa. Cánh hoa ngoài hình trứng, mặt ngoài có lông nâu đỏ. Nhị dài gần 1 mm. Lá noãn 8 - 10. Noãn 2. Phân quả hình cầu, đường kính 7 - 8 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 10 đến tháng 1 năm sau, có quả tháng 3 - 6. Thường gặp trong rừng thứ sinh, hoặc ven đường, nơi sáng. Có ở Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai. Còn có ở Trung Quốc.

Cách thư oldham (Fissistigma oldhamii (Hemsl.) Merr.)

Bụi trườn dài 6 - 8 m. Lá phần lớn hình thuôn, cỡ 7(9) - 12(14) × 2(3)-4(5) cm, gân bên 10 - 12 đôi. Cánh hoa ngoài hình mác rộng và dài hơn cánh hoa trong. Nhị dài 1,5 mm. Lá noãn khoảng 25 - 60. Noãn 6 - 7. Phân quả hình cầu, đường kính cỡ 1,5 - 2 cm, có lông tơ.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 2 - 5, có quả tháng 4 - 8. Mọc ở ven rừng, nơi sáng. Phân bố ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đồng Nai. Còn có ở Trung Quốc, Đài Loan, Lào.

Dời dơi (Fissistigma polyanthoides (DC.) Merr.)Bụi trườn dài 4 - 8 m, hoặc dây leo thân gỗ dài 10 - 12 m. Lá hình bầu dục hoặc hình thuôn, cỡ 10 - 17 × 4 - 6(8) cm. Hoa họp thành bó 3-10 hoa trên cuống chung, màu trắng. Cánh hoa ngoài hình trứng, dài hơn cánh hoa trong. Nhị ngắn dưới 1 mm. Lá noãn 20 - 27. Noãn 4. Phân quả hình cầu, đường kính cỡ 1 cm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 2 - 4, có quả tháng 4 - 6. Mọc phổ biến ở ven rừng, độ cao từ 100 - 1300 m. Phân bố ở Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Còn có ở Trung Quốc, Lào.

Bổ béo trắng (Fissistigma thorelli (Pierre ex Fin. & Gagnep.) Merr.)

Dây leo thân gỗ dài 10 - 20 m. Lá hình bầu dục hoặc hình thuôn, cỡ (13)16 - 25(30) × (5)7 - 10(16) cm, bên khoảng 8 - 22 đôi, song song và tận mép. Hoa hợp thành xim bó, gần như ở đỉnh cành hoặc ngoài nách lá. Cánh hoa ngoài hình mác dài 2,5 - 3,5cm rộng chừng 6mm; cánh hoa trong hẹp hơn, cỡ 1,7 - 2 × 0,3 cm. Nhị dài cỡ 1,5 mm. Lá noãn khoảng 10 - 15. Noãn 10 - 16. Phân quả hình trứng hoặc thuôn, 4 - 5 × 2,5 - 3,5 cm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 3 - 7, mang quả tháng 11 - 3 (năm sau). Mọc rãi rác ở rừng nguyên sinh, nơi ẩm, gần khe suối, vùng núi đất, ở độ cao 500 – 1000 m. Phân bố ở Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai. Còn có ở Lào, Campuachia.

Lãnh công bắc (Fissistigma tonkinensis (Fin. & Gagnep.) Merr.)

Bụi trườn dài 6 - 8 m. Lá hình trứng thuôn, cỡ 14 – 17 × 5 - 6 cm; gân bên 10 - 15 đôi. Hoa mọc ở đầu ngọn cành, cánh hoa ngoài hình trứng, cánh hoa trong hẹp và nhọn hơn. Nhị dài 2,5 mm. Lá noãn nhiều. Noãn 22.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 10 - 12. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh. Có ở Quảng Ninh.

Chân kiềng (Goniothalamus chartaceus P.T.Li)

Gỗ nhỏ, cao 4 - 6 m. Lá hình thuôn hay hình mác, cỡ 11 - 17(20) × 2 - 3,5(5) cm; gân bên mờ. Cánh hoa ngoài dài 20 - 25 × 5 mm; cánh hoa trong 10 × 4 mm. Nhị dài cỡ 1,5 mm. Noãn 1 - 2. Phân quả hình trứng, cỡ 708 × 4 - 5 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 5 - 6, có quả tháng 7 - 8. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh. Phân bố ở Qủng Ninh, Lạng Sơn.

Giác đế sài gòn (Goniothalamus gabriacianus (Baill.) Ast)

Cây bụi nhỏ, cao 1-4m. Lá thuôn hình mác ngược, cỡ (8)13-18(22) x (2,5)3-5(6,5) cm (chiều dài bằng 3 lần chiều rộng). Hoa thường mọc đơn độc ở nách lá. Cánh hoa dày; những chiếc ngoài hình mác rộng, cỡ 12-14 x 5-6 cm, cả hai mặt đều có lông; cánh hoa trong hình bầu dục, dài 7-9 mm. Nhị nhiều. Noãn 1-2. Phân quả nhẵn, hình trái xoan, cỡ 10-12 x 6-7 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 12 – 5 năm sau, có quả tháng 6 - 11. Mọc rải rác trong rừng vùng núi đất, trên độ cao 100 - 800 m. Phân bố ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Nghệ An. Còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Giác đế đài to (Goniothalamus macrocalyx Ban)

Cây gỗ cao 10 - 15 m. Lá hình thuôn hoặc thuôn hình trứng ngược, cỡ (16)20 - 27(30) × (6)8 - 10 (11) cm, gân bên 13 - 17 đôi. Hoa mọc đơn độc ở nách lá đã rụng hoặc mọc trên cành già. Cánh hoa ngoài (khi tươi màu vàng nhạt), hình mác, cánh hoa trong hình trứng. Nhị nhiều. Lá noãn nhiều. Noãn 2. Phân quả, thuôn hoặc hình trụ cong, có mỏ nhọn ở đỉnh.

Sinh thái và phân bố: Mùa hoa tháng 4 - 6, mùa quả chín tháng 7 - 9. Cây tái sinh bằng hạt. Mọc trong rừng lá rộng thường xanh nơi ẩm, đất có độ mùn sâu, ở độ cao 100 - 900 m. Phân bố ở Hà Tây (Mỹ Đức, Chùa Hương), Hòa Bình (Đà bắc: Núi Biện, Chợ Bờ), Thanh Hóa (Thạch Thành).

Bổ béo đen (Goniothalamus vietnamensis Ban)

Bụi nhỏ, cao 2 - 3 m. Lá thuôn hình trứng ngược, cỡ 20 - 35(40) × 7 - 9(100) cm, gân bên 10 - 14 cặp. Hoa ở nách lá, thường mọc đơn độc. Cánh hình mác. Nhị nhiều dài cỡ 1 mm. Lá noãn 15 - 20. Noãn 1. Phân quả hình trụ, cỡ 3 - 4 × 0,5 cm. 

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 6, có quả tháng 7 - 10. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh. Có ở Cao Bằng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Tây.


Song môi lông vàng (Miliusa velutina (Dun.) Hook.f. & Thoms.)

Gỗ cao 10-30 m. Lá rất biến đổi từ từ tròn, bầu dục hoặc thuôn, cỡ 5 - 25 × 3 - 19 cm. Gân bên 8 - 18 đôi. Hoa mọc đơn độc hoặc thường họp thành nhóm 2 - 3 chiếc ở nách lá đã rụng. Cánh hoa ngoài hình mác, cánh hoa trong hình trứng. Nhị nhiều dài trên 1 mm. Lá noãn nhiều dài 2 - 3 mm. Noãn 1 - 2. Phân quả hình càu hay hình trứng, cỡ 1 - 1,5 × 0,8 - 1 cm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 3 - 5, có quả tháng 5 - 7. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh ở độ cao dưới 300 m. Có ở Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Phân bố ở Ấn Độ, Nê Pan, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Tháp hình lông (Orophea hirsuta King)

Bụi nhỏ, cao 2-4 m. Lá hình trứng ngược hay hình bầu dục thuôn, cỡ 6-11 x 2,5-4,5 cm; gân bên 7-9 đôi rất mờ. Hoa thường họp thành từng cặp. Cánh hoa ngoài màu hồng, cánh hoa trong màu trắng phớt hồng. Nhị 6. Lá noãn 3-6. Phân quả hình cầu.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 5, có quả tháng 7 - 9. Mọc rải rác trong rừng ở vùg thấp dưới 300 m. Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Đồng Nai. Phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Malaixia.

Tháp hình nhiều trái (Orophea polycarpa A. DC.)

Gỗ nhỏ cao 7 - 10 m. Lá hình trứng mác, ít khi bầu dục, cỡ 8 - 12 × 3 - 4,5 cm, gân bên 5 - 7 đôi. Cụm hoa gồm 2 - 3 hoa. Cánh hoa ngoài hình trứng, cánh hoa trong hình thoi. Nhị 6, dài 1 mm. Lá noãn 9 - 12 cm. Noãn 2. Phân quả hình cầu, đường kính 10 - 15 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 2 - 5, có quả tháng 6 - 8. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh. Phân bố ở Thừa Thiên - Huế, ĐắcLắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn có ở Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia.

Thuốc thượng (Phaeanthus vietnamensis Ban) Cây bụi hoặc gỗ nhỏ, cao 2 - 10 m. Lá thuôn hoặc gần hình mác, cỡ 9 – 16 × 3 - 6,5 cm; gân bên 9 - 11 đôi. Hoa mọc so le với lá, thường thành xim 2 hoa. Nhị nhiều. Lá noãn nhiều. Noãn 1. Phân quả hình trái xoan, cỡ 12 - 15 × 6 - 7 mm. Khi chín chuyên màu vàng đến màu mận đỏ.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 5 - 12, có quả tháng 6 - 1 (năm sau). Mọc dưới tán rừng thưa, rừng thứ sinh dưới 300 m. Phân bố ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Nhọc (Polyalthia cerasoides (Roxb.) Bedd.)

Cây gỗ cao 5-15 m. Lá hình mác, cỡ 7(9) - 12(14) × 2 - 3(4) cm; gân bên 8-10 đôi. Hoa mọc đơn độc ở nách lá, thơm mùi chuối chín. Cánh hoa già màu vàng nhạt, hình bầu dục. Nhị nhiều, dài gần 1 mm. Lá noãn nhiều dài 1,5 mm. Noãn 1. Phân quả hình trứng hay hình cầu, đường kính cỡ 5 - 6 mm, khi chín màu đỏ.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 3 - 5, có quả tháng 5 - 7. Mọc trong rừng nguyên sinh, ven rừng, nơi sáng ở độ cao dưới 700 m. Phân bố ở Lạng Sơn, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Đắc Lắc, An Giang. Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan.

Nhọc núi đinh (Polyalthia debilis (Pierre) Fin. & Gagnep.)

Cây gỗ cao 6 - 10 m. Lá gần như không cuống, thuôn hoặc hình mác, cỡ 7 - 10 × 2,5 - 3,5 cm; gân bên 12 - 13 đôi. Hoa mọc đơn độc đối diện hay ngoài nách lá. Cánh hoa hình thuôn. Nhị hình thuôn. Lá noãn 6 - 12. Noãn 2. Phân quả hình trái xoan, 2 hạt thắt ở giữa.

Sinh thái và phân bố: Mọc ở rừng thưa. Mới thấy ở Bà Rịa – Vũng Tàu (núi Đinh).

Chè mỹ (Polyalthia evecta (Pierre) Fin. & Gagnep.)

Cây bụi, cao 1 - 2 m. Lá hình mác hay hình bầu dục, cỡ 7(9) - 13 × 2 - 4 cm, gân bên mờ. Hoa mọc đơn độc, ở ngoài nách lá. Cánh hoa hình mác, ặmt ngoài có lông. Nhị 1 mm. Lá noãn 40 - 60. Noãn 1. Phân quả hình cầu đường kính 5 - 6 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 7, có quả tháng 8 - 12. Mọc rải rác ven rừng. Phân bố ở Đắc Lắc, An Giang, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tài. Còn có ở Lào, Thái Lan.

Chùm rụm (Polyalthia intermedia (Pierre) Ban)

Cây bụi, cao khoảng 2 m. Lá thuôn hình mác, cỡ 7 - 10 × 2 - 3 cm; gân bên mờ khó đếm. Hoa mọc gần như đối diện với lá. Cánh hoa ngoài hình trứng, cánh hoa trong hình bầu dục. Nhị dài khoảng 1 mm. Lá noãn 10 - 20. Noãn 1. Phân quả hình cầu, đường kính cỡ 5 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 7, mang quả tháng 8 - 10. Mọc rải rác dưới tán rừng. Phân bố ở Khánh Hòa, Kon Tum. Còn có ở Campuchia.

Ran rừng (Polyalthia nemoralis A.DC.) Cây bụi, cao 1 - 2 m. Lá thuôn gần hình mác, cỡ  7(9) - 12(16) × 2(3) - 4(6) cm; gân bên 9 - 12 đôi. Hoa mọc đơn độc ở ngoài nách lá, gần như đối diện với lá. Cánh hoa màu trắng, mỏng, hình tam giác. Nhị nhiều. Lá noãn 5 - 6. Noãn 1. Phân quả hình trái xoan, cỡ 10 × 7 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 1 - 5, mang quả tháng 8 - 11. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, ở vùng núi đất, độ cao dưới 400 m. Phân bố ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Tây, Nghệ An. Còn có ở Trung Quốc.

Ngấn chày (Polyalthia thorelii (Pierre) Fin. & Gagnep.)

Gỗ lớn, cao 20 - 30 m. Lá hình thuôn, cỡ 11(15) - 20(25) × 4(5) - 7(8) cm; gân bên 9 - 12 đôi. Hoa mọc thành xim, lưỡng phân trên cành già hoặc ở đỉnh. Cánh hoa hình mác, mỏng, 2 mặt đều có lông. Nhị dài 1 mm. Lá noãn nhiều. Noãn 1. Phân quả hình trứng, cỡ 2 × 1,3 cm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 2 - 6, có quả tháng 7 - 8. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh ở độ cao 300 - 900 m. Phân bố ở Quảng Ninh, Hà Tây, Hòa Bình, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh. Còn có ở Lào.

Bù dẻ lá lớn (Uvaria cordata (Dun.) Wall. ex Alston) Dây leo thân gỗ. Lá lớn, cỡ 14 - 30 × 10 - 16 cm; gân bên 16 - 30 đôi. Hoa mọc đơn độc hoặc 2 - 3 chiếc. Cánh hoa hình trái xoan, 2 × 1,3 cm. Nhị nhiều. Lá noãn nhiều. Phân quả thuôn, cỡ 2 - 4 × 1 - 1,5 cm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 5, có quả tháng 7 - 8. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh, vùng thấp dưới 300 m. Phân bố ở Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang, bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Malaixia, Xri Lanka, Inđônêxia.

Chuối con chồng (Uvaria grandiflora Roxb. ex Hornem)

Dây leo thân gỗ, dài 8 – 10 m. Cành non có lông tơ màu vàng nâu. Hoa thường mọc đơn độc, cuống hoa dài 1 – 2 cm, có 2 lá bắc, đài bao kín nụ hoa, lá dài mỏng, hình trái  xoan hay hình tròn, đường kính 2 cm, mặt ngoài có lông ngắn. Cánh hoa rời, màu đỏ tía, hình trái  xoan. Nhị dài 6 – 7 mm. Noãn 20 – 30. Phân quả hình trụ; cuống phân quả dài 1 - 2cm. Hạt màu vàng hơi nâu, nhẵn.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 6, có quả tháng 8 - 9. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh, ở độ cao dưới 300m. Phân bố ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai. Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Xri Lanka, Malaixia, Inđônêxia.

Kỳ hương (Uvaria micrantha (A.DC.) Hook.f. & Thoms.)

Dây leo thân gỗ, dài 15 - 20 m. Lá hình mác, cỡ 6 - 12 × 2 - 3,5 cm; gân bên không rõ. Hoa mọc đơn độc hoặc họp thành 2-3 chiếc, đối diện với lá hoặc hiếm khi ở đỉnh cành. Cánh hoa hình trái xoan, cỡ 3 - 4 × 2 - 3 mm. Nhị dài gần 1 mm. lá noãn nhiều. Noãn 3-5. Phân quả hình trái xoan có eo, cỡ 7 - 10 × 5 -  6 mm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 1 - 4, có quả tháng 6 - 9. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, ở độ cao dưới 300 m. Phân bố ở Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tp Hồ Chí Minh, An Giang. Còn có ở Mianma, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Ấn Độ.

Bù dẻ trườn (Uvaria microcarpa Champ. ex Benth.)

Bụi trườn, dài chừng 2 - 4 m, hoặc dây leo thân gỗ dài 8-20 m. Lá hình trứng ngược hoặc thuôn, cỡ 6(10) - 14(17) × 4(5) - 7(8) cm; gân bên 10 - 14 đôi. Hoa đơn độc hay từng cặp. Cánh hoa màu đỏ tía, hình trái xoan. Lá noãn nhiều. Phân quả chín màu đỏ, hình cầu.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 6, có quả tháng 6 - 8. Mọc ở rừng thứ sinh, lùm bụi và đồi hoang, ở độ cao dưới 300 m. Mọc khá phổ biến ở Việt Nam. Còn có ở Trung Quốc, Lào.

Bù dẻ hoa đỏ (Uvaria rufa Blume)

Dây leo thân gỗ, dài 10 - 15 m. Lá thuôn, cỡ 10 -        16 × 3 - 7 cm; gân bên 13 - 26 đôi, nổi rõ ở mặt dưới. Cánh hoa màu đỏ tía, hình thuôn. Lá noãn nhiều. Noãn 12 - 20. Phân quả thuôn hoặc hình trứng, 1,5 - 4 × 1 - 1,5 cm.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 8; có quả tháng 6 - 9. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh, rừng còi, ở độ cao dưới 700 m. Phân bố ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia, Philippin, Niu Ghinê.

Bồ dẻ Việt Nam (Uvaria vietnamensis C. Meade) Dây leo thân gỗ dài 2 - 5 m. lá hình trứng hoặc hình thuôn, cỡ 7 - 9(22,5) × 3,5(4) - 7,5 cm; gân 14 - 16 cặp. Phân quả hình cầu, cỡ 1,2 - 1 cm, cuống phân quả dài 3 - 4,5 cm, có râu dạng gai, trên râu có lông tơ. 

Sinh thái và phân bố: Mọc rải rác trong rừng, ưa sáng. Phân bố ở Quảng Trị, Quảng Nam. Còn có ở Lào, Thái Lan.

Giềng trắng (Xylopia pierrei Hance)

Cây gỗ cao tới 20 m. Lá hình thuôn hoặc hình mác, dài (3)6 - 8 (10)cm, cuống lá ngắn. Hoa nhỏ, mọc đơn độc (đôi khi thành nhóm 2 chiếc). Cánh hoa 6, màu trắng, xếp thành 2 vòng. Những chiếc của vòng trong nhỏ và ngắn hơn những chiếc vòng ngoài. Nhị nhiều, những chiếc vòng ngoài bất thụ, những chiếc vòng trong hữu thụ. Lá noãn 3. Noãn 6 - 8 xếp thành 2 hàng. Phân quả hình trứng. Hạt màu xám, xếp nghiêng so với cuống quả.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 2 – 4; có quả chín tháng 6 - 8. Mọc trong rừng thưa nơi sáng. Có khả năng tái sinh mạnh ở rừng thứ sinh. Phân bố ở Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai. Còn có ở Campuchia.

Giềng đỏ (Xylopia vielana Pierre)

Cây gỗ cao 8 - 20(25) m. Lá hình bầu dục hoặc hình trứng, 6 - 8 × 3 - 4 cm. Hoa thường mọc đơn độc (đôi khi họp thành cặp) ở nách lá. Cánh hoa hình dải, khi tươi màu vàng nhạt. Nhị nhiều. Lá noãn 6 - 10. Noãn 5 - 6. Phân quả thuôn, cỡ 2 - 3 × 0,5 - 0,6 cm, nhẵn.

Sinh thái và phân bố: Cây ra hoa tháng 4 - 5, có quả tháng 5 - 6. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh hoặc rừng thứ sinh, vùng núi đất, độ cao 100 - 300 m. Phân bố ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Còn có ở Trung Quốc, Campuchia.