Thứ hai, 29 tháng bảy năm 1974 ( ngày âm 11 tháng 6 Giáp Dần) 5 giờ đúng, chính xác là hơn vài chục giây sau 5 giờ, tiếng súng khai hỏa trận Thường Đức lần thứ n bắt đầu nổ, mặc dù đã sửa sang lại căn hầm trú ẩn, lót căn phản gõ 5 tấm trên nóc hầm, chèn thêm mấy chục cây gỗ đủ loại ở phía trên và chuẩn bị túi cứu thương,thuốc men, lương thực thực phẩm cũng như các tư trang đã được vô gói sẳn sàng thế nhưng nhiều quả đạn nổ gần quá nghe điếc cả hai lổ tai cũng làm cho tôi giựt mình dù biết rằng không sớm thì muộn ngày đó nó phải đến, chắc chắn đến!
Đọc nhiều tài liệu ghi lại trận Thường Đức, nhiều tác giả ghi là lệnh khai hỏa bắt đầu bằng những phát đạn DK 85 từ làng Trúc Hà, thế nhưng tôi thì cho là không phải như vậy mà chính xác là tiếng nổ của loạt AK và B40 tại đầu làng Đại An của tôi, nơi có một trung đội lính nghĩa quân đang trú. Nghiệm lại, có thể tôi không sai và các tài liệu kia viết cũng chẳng trật tí nào vì từ Trúc Hà đến Đại An xa gần 3 cây số đường chim bay nếu tính vận tốc âm thanh thì tiếng đạn nổ ở hai chổ dù phát ra cùng một lúc nhưng chắc chắn người nghe ở mỗi đầu chậm gần 10 giây. Hóa ra lâu nay mình bảo thủ, cứ cải hoài như bản chất của dân Quảng Nam, làm chi có lệnh từ đầu Đại An, vì Đại An là mũi tiến công của quân địa phương, ở đầu Trúc Hà phát lệnh khai hỏa là đúng rồi bởi ở đó là quân chủ lực kia mà!
Lâu nay,mỗi khi nghe hay đọc một tài liệu nào nói về trận Thường Đức người ta ghi thời gian khai hỏa 5 giờ đúng, trong trí nhớ của tôi thì lúc ấy đúng là 5 giờ sáng nhưng sao hồi đó trời còn tối om, trăng lặn từ lâu, mọi người còn yên giấc! Tại sao bây giờ 5 giờ trời đã sáng trắng, người ta đã thức dậy cả rồi ? Hóa ra, hồi ấy còn dùng chung giờ Sài Gòn! Bây giờ dùng giờ thống nhất, miền nam lui lại 1 giờ so với giờ Saigon trước đây, không hiểu sao các nhà làm sử, các tài liệu không điều chỉnh lại nhỉ ( không khéo đời sau bảo là khai hỏa như vậy chỉ có chụm quân!)
Hơn 38 năm đã qua rồi, trận Thường Đức cũng đã đi vào lịch sử, nhớ lại thời khốc liệt, mỗi ngày phải nghe ít nhất năm ngàn quả pháo của bộ đội vài ngàn quả pháo của phía bên kia cọng với vài chục quả bom,... đến đêm phải nằm hầm để tránh bom bi do máy bay C130, C131 thả và bắn xuống từng loạt từng loạt đạn đum đum (20 ly) , và rồi pháo 175 ly, 150 ly … cùng những hình ảnh hàng trăm hàng ngàn người ngã xuống trong một trận đánh, đủ kiểu chết, đủ kiểu hy sinh, những cái xác lính hay xác người dân không người chôn, phân hủy còn trơ xương nằm khắp các cánh đồng, trên triền núi, ven bãi,và nổi trôi dưới sông trên bàu,…nó khủng khiếp làm sao !
Chuyện qua lâu rồi, muốn quên mà quên không được bởi trong ngón tay còn mảnh đạn, trong chân phải cũng còn mảnh pháo, hôm nay trở trời, nó nhức nhức, coi lịch thấy ngày 29 tháng 7 nên ghi lại đôi điều.
Dạo nầy rảnh việc, mấy đứa bạn rủ mua vé máy bay đi Hà Nội chơi, nhưng nhớ lại cảnh chiếc máy bay A37 số 4 ngàn… mà người phi công có tên là Thiếu tá Nguyễn Hữu Thiệt của quân đội VNCH, bị trúng đạn phòng không rớt lúc 8 h 30 sáng 30 tháng 7 năm 1974 tại khe Ông Má khi còn mang mấy quả bom …nên cũng ngại ngại chưa biết tính sao đây.