Đúng là còn hơn chạy giặc, ấy là tôi nói đến bà con trong
vùng ảnh hưởng của thủy điện!
Không biết ở trên ấy, Bến Giằng, người ta thông
tin thế nào về thủy điện Đăkmi 4 mà từ Ái Nghĩa đến tận An Điềm (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) người dân đùng
đùng chạy lên chổ cao, lên núi. Ở Đại Hồng, các thôn Đông Phước, Dục Tịnh,..già trẻ lớn bé, hễ ai yếu gan thì chạy vào thôn
Phước Lâm, các trường học thì cha mẹ chạy đến kéo con họ về, buộc lòng nhà trường phải cho học sinh về, người đang đi chợ cũng bỏ...
Tất
cả đều trong tâm trạng hoang mang...
Mà cũng ghê thiệt! Chỉ trong vòng 30 phút,
mực nước dâng hơn 1 mét, một giờ sau dâng cao hơn 2 mét, từ mực nước bình thường bỗng chốc dâng cao đến mức báo động 3! Sóng cao vỗ đập ầm ầm, kéo theo cây tươi, cây khô to
đùng bồng bềnh trên khắp mặt nước. Loa truyền thanh thì thông báo Đăkmi xả
lũ, loa mồm thì nói với nhau rằng đập bể rồi, mau chạy!
Khốn khổ thay những
người sống dưới các đập thủy điện!
Không tin cũng không được mà tin thì chẳng
ai dám tin..., bởi khi làm những cái hồ chứa cả tỉ mét khối trên trời xanh ấy
họ có làm chắc chắn không, xi măng, sắt thép, cát sạn có đúng chất lượng không?
Đành rằng có nghiệm thu giám sát nhưng cái sự tham nhũng... thì ai cũng biết
rồi! A, B, B phẩy, B hai phẩy..., không B nào bị lỗ thì làm sao an toàn được
đây?
Cái lo cũng có cái lý của nó! Nghĩ mà thấy bất công quá, họ làm điện họ
bán, giá cả thì họ quyết, họ chẳng bớt chút chút cho người dân ở vùng bị ảnh
hưởng. Vậy mà khi họ xả nước lũ thì họ chỉ cần loa báo cho mình biết để mà bớ làng xóm
ơi...chạy... và dọn đồ đạc lên chỗ cao... CÔNG NÀY AI TRẢ? Đúng là kêu
trời không thấu!
Sống chung với lũ đã hơn nửa thế kỷ rồi, vậy mà bây giờ thấy
hơi ớn ớn. Mình cũng thấy thương cho mình quá! Không phải là không có chỗ để đi
nhưng quê cha đất tổ, làm sao nỡ bỏ đi được đây!