Người miền
Trung có câu :
“Ông tha mà bà chẳng tha
Làm ra cây lụt hai ba tháng mười”
Lụt 23 tháng
10 âm lịch hàng năm thì thường xảy ra, nhưng
có cây lụt lệ còn ghê gớm hơn, hay lặp đi lặp lại hàng năm, đó là cây lụt
vào ngày 19 tháng 9 âm lịch.
Chuyện xảy ra
cũng đã lâu lắm rồi, theo ông tôi kể lại
đó là vào một năm 194.. tháng 9 âm ngày 19 có một trận lụt tuy không lớn lắm nhưng
đã đi vào lịch sử địa phương bởi hậu quả khủng khiếp mà nó gây ra.
19 tháng 9 năm ấy, buổi sáng trời
quang mây tạnh cho nên bà con tranh thủ sang cồn (cách bên sông) để thu hoạch bắp,
gần đến trưa, khi nghĩ ăn cơm thì mây đen ngùn ngụt kéo đến, thấy vậy, ăn xong
người ta lại tranh thủ bẻ bắp càng nhanh càng nhiều càng tốt, trời mưa thì cứ mặc
trời mưa mọi người chăm chỉ làm việc cho đến khi gió chướng nổi lên mỗi lúc một
mạnh họ mới gom bắp lại để đem ra sông chở về. Thế nhưng nhìn quanh Cồn thì nước
ở đâu đã dâng lên ngập cả chung quanh ,
ngoài sông gió thổi mỗi lúc một mạnh thêm,
gió xốc ngược những ngọn nước tạo thành những con sóng cao nghều nghệu như hăm
dọa và thách thức những nông dân nghèo khó với những chiếc ghe nan nho nhỏ …
Nước mỗi lúc một
dâng cao, cả cái cồn Hoằng Phước mênh mông đất như vậy mà bây giờ chỉ còn lại một
chỏm nhỏ, nước càng dâng người ta càng xúm
xít lại gần nhau hơn, cả trăm người chen chúc trên mõm đất còn lại, rồi nước ngập
chân, nước tiếp tục dâng thêm ngập bụng…cái chết của gần trăm người đang cận kề
Mưa vẫn nặng hạt,
gió mỗi lúc một mạnh hơn, thì ra đó là một trận bão !
Sáng sớm ngày
hôm sau, trên đống rều rác mắc ở bụi tre
cuối làng kia, người ta tìm thấy một người đàn ông lấm bê bết, khi kéo
người đàn ông nầy ra người ta thấy cổ ông ta được cột chặt bằng một cành dâu của
một bụi dâu già cuối vụ tằm tang.
Chăm sóc cho ông ta tỉnh lại, ông
ta kể lại rằng: “Khi biết trước là sẽ bị
chết chìm, chúng tôi tất cả mọi người không ai bảo ai, mỗi người chọn một bụi dâu
thật to, lấy cành dâu đánh lại cho chắc và cột vào cổ, chỉ với hy vọng cuối cùng
là sau khi chết con cháu chỉ cần ra Cồn
là tìm được xác, nếu không cột đầu cẩn thận nước cuốn xác trôi đi con cháu biết
đâu mà tìm? Còn tôi sở dĩ tôi còn sống đây là bởi cái bụi dâu tôi chọn bị rều rác
mắc lại nhiều, ép dòng nước chảy mạnh làm trốc cả bụi dâu và kéo tôi trôi đến mắc ở bụi tre nầy”, nói xong
ông ấy ngồi khóc hu hu.
Hàng năm cứ đến
ngày 19 tháng 9 âm lịch, rất nhiều gia đình làm đám giỗ cho người thân của họ đã
không may gặp nạn trong trận lụt bão lịch sử nầy. Hôm nay thấy nhiều người đi
chợ mua nhiều thức cúng giỗ, giỗ những người đã cột đầu gốc dâu trong trận lụt cột đầu gốc dâu!
Nhớ chuyện xưa
tôi ghi lại đôi điều.